Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) được thực hiện bằng cách khảo sát lãnh đạo các công ty tư nhân nhóm sản xuất, dịch vụ nhằm đánh giá sức khoẻ chung của cả nền kinh tế. PMI lấy ngưỡng 50 điểm, trong đó, lĩnh vực sản xuất được xác nhận có sự mở rộng nếu PMI trên 50 và ngược lại, thu hẹp nếu dưới 50 điểm.
Trong tháng 5, chỉ số PMI của Việt Nam tăng lên 54,7 điểm so với mức 51,7 điểm của tháng trước. Điều này cho thấy sức khỏe lĩnh vực tư nhân được cải thiện theo tháng rất đáng kể vào giữa quý II.
Ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, đánh giá các nhà sản xuất tại Việt Nam đang ngày càng quay lại trạng thái bình thường sau khi tình trạng gián đoạn vì Covid-19 dần biến mất.
"Tháng 5 chứng kiến mức tăng mạnh của sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới, từ đó làm tăng việc làm và hoạt động mua hàng. Ngoài ra, niềm tin rằng các công ty sẽ không tiếp tục phải đương đầu với những khó khăn do Covid-19 cũng ngày càng tăng", ông nói.
Tuy nhiên, ông cho biết các biện pháp phong toả tại Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng đến ngành sản xuất, bao gồm hạn chế nhu cầu hàng xuất khẩu và kéo dài thời gian giao hàng. Do vậy, các doanh nghiệp bày tỏ hy vọng hoạt động tại Trung Quốc sớm bình thường lại để thúc đẩy phục hồi sản xuất tại Việt Nam, theo đại diện S&P Global.
Cụ thể, theo khảo sát của đơn vị này, các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam đã cải thiện ở mức tốt nhất trong hơn một năm. Sản lượng ngành sản xuất tháng 5 tiếp tục phục hồi khi tăng tháng thứ hai liên tiếp. Tốc độ tăng trưởng được ghi nhận mạnh và nhanh nhất kể từ tháng 4/2021.
Tăng trưởng của số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng nhanh hơn, tuy nhiên mức tăng được nhìn nhận yếu hơn so với mức tăng của tổng số lượng đơn đặt hàng mới do Trung Quốc siết các biện pháp phong toả.
Do số lượng đơn đặt hàng tăng, các công ty phải xây dựng lại đội ngũ nhân lực vào giữa quý II. Theo đó, số việc làm đã tăng tháng thứ hai liên tiếp, và tốc độ tăng là mạnh và nhanh nhất kể từ tháng 4/2021. Hoạt động mua hàng cũng tăng để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng, và tốc độ tăng đã nhanh hơn.
Tồn kho hàng hóa trước sản xuất đã giảm tháng thứ hai liên tiếp, dù mức giảm là nhẹ. Tồn kho thành phẩm cũng giảm, và đây là lần giảm thứ ba liên tiếp khi hàng tồn kho được sử dụng để đáp ứng các đơn hàng.
Theo S&P Global, tốc độ lạm phát vẫn tăng mặc dù có một số dấu hiệu chậm lại trong tháng 5. Cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra đều tăng với tốc độ chậm nhất trong 3 tháng, nhưng trong cả hai trường hợp lạm phát vẫn nằm trên xu hướng chung của lịch sử chỉ số.
Các doanh nghiệp được khảo sát nói thêm rằng, chi phí dầu, khí đốt và vận chuyển tăng cũng tạo thêm áp lực cho lạm phát. Để bù đắp, các công ty đã chuyển gánh nặng giá cả sang cho khách hàng.
Nguồn: vnexpress.net